Sunday, August 3, 2008

DNH CAm On Anh 2




Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh” KỲ II: Sự chia sẻ thiết tha của người Việt hải ngoại với thương binh VNCH
Monday, August 04, 2008

Nguyên Huy/Người Việt

Trên 380 ngàn Mỹ kim là con số tổng kết sơ khởi được loan báo trước khi kết thúc Ðại Nhạc Hội “Cám ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” kỳ II.

Có thể nói đây là một sinh hoạt của cộng đồng người Việt hải ngoại đã thu hút được một số đồng hương tham dự kỷ lục chỉ trong một buổi. Theo ước tính của giới truyền thông báo chí Việt ngữ ở Nam California thì có thể tới hơn 13 ngàn lượt người đã đến tham dự trong đại nhạc hội này vào hôm Chủ Nhật 3 tháng 8 tại sân vận động trường Grande High School thuộc thị xã Garden Grove, Nam California.

Ðại Nhạc Hội Cứu Trợ Thương Binh VNCH kỳ II này đã được các tổ chức như Hội H.O. Cứu Trợ TPB và Quả Phụ, Liên Hội Chiến Sĩ VNCH Nam Cali, Tập Thể Chiến Sĩ VNCH Tây Nam Hoa Kỳ cùng Trung Tâm Băng Nhạc Asia, Ðài Truyền Hình SBTN và nhiều đoàn thể trong cộng đồng đứng ra tổ chức được sự hỗ trợ của nhiều cơ sở thương mại lớn và các cơ quan truyền thông báo chí Việt ngữ tại Nam California.

Từ hơn một tháng qua, đồng hương người Việt đi qua các chợ và trung khu Little Saigon đã thường thấy những toán anh chị em cựu quân nhân tự nguyện mang vé Ðại Nhạc hội đi bán dạo vào những ngày cuối tuần. Theo nhiều anh em cho biết thì việc bán vé cũng không dễ dàng cho lắm, đôi khi còn nhận được những sự từ chối phũ phàng. Nhưng theo bà Hạnh Nhơn, chủ tịch Hội H.O. Cứu Trợ TPB&Quả Phụ cũng là trưởng ban tổ chức cho biết thì số vé dù chưa tổng kết được cũng đã bán được gấp đôi kỳ trước. Ông Nam Lộc, người điều hợp tổng quát trong ban tổ chức thì luôn luôn tin tưởng rằng chúng ta sẽ vượt qua con số hơn 450 ngàn của kỳ trước.

Ngay từ 8 giờ sáng, tại sân vận động đã tấp nập những cựu quân nhân QLVNCH thuộc mọi binh chủng đến chia nhau nhận lãnh những công tác sắp xếp ghế ngồi, phân khu trong khán đài, tổ chức việc giữ trật tự, giúp việc bán vé và linh tinh đủ mọi chuyện cho một cuộc tổ chức đại quy mô. Bốn lều lớn đã được nhà thầu dựng lên mà theo ông Nam Lộc cho biết thì “đó là tối đa mà ban tổ chức tìm thuê được kể cả đã phải lên tận Los”.

Dù giờ khai mạc được ấn định là 12 giờ trưa, nhưng vào lúc 11 giờ các bãi đậu xe quanh trường Grande High School đã không còn một chỗ. Người ta ước tính trong hội trường lúc này đã có tới trên ba ngàn đồng hương có mặt chờ đợi. Bẩy vị niên trưởng là cựu Trung Tướng Nguyễn Bảo Trị, cựu Thiếu Tướng Nguyễn Khắc Bình, Bùi Ðình Ðạm, cựu Ðề Ðốc Trần Văn Chơn, cựu Chuẩn Tướng Không Quân Nguyễn Hữu Tần, Võ Dinh và Giáo Sư Nguyễn Xuân Vinh, chủ tịch Tập Thể Chiến Sĩ VNCH hải ngoại cũng đã có mặt trước lúc khai mạc cùng với đại diện các tôn giáo và các hội đồng hương người Việt tại Nam California.

Trước lúc khai mạc, như để khởi lên không khí sôi động chia sẻ thương đau cùng những thương binh VNCH kẹt lại trong chế độ cộng sản, ban tổ chức đã cho đọc một bức tâm thư của thương binh VNCH đại diện cho tập thể anh em thương binh VNCH từ trong nước gửi ra khi nghe được tin đồng bào và đồng ngũ ở hải ngoại tổ chức cứu trợ. Trong thư có đoạn: “Quý vị đã đến với anh em phế binh khổ nạn tại quê hương, đến bằng tất cả tâm tình quí trọng, xuyên qua biết bao nhiêu lần cứu giúp và nâng đỡ trường kỳ, liên tục, bằng tiền bạc thuốc men, xe lăn, phương tiện chỉnh hình, phương tiện sinh sống... Trong đêm đen cứu tinh là ánh sáng, trong khổ đau cứu tinh là tình thương và trong cảnh sa sút kiệt quệ, cứu tinh là giúp đỡ...”

“Nghe tin này, nhiều anh em chúng tôi đã bật khóc, khóc vì xúc động khi cảm nhận được rằng: những mảnh đời khốn cùng với xác thân cụt què đui mù bại liệt mà bị thế thái nhân tình rẻ rúng lại được một cái giá thật ý nghĩa trước tình thương và tấm lòng yêu chuộng của cộng đồng người Việt, đồng bào nơi hải ngoại”.

Ðúng 12 giờ trưa, Ðại Nhạc Hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH kỳ II khai mạc. Tiếng hùng ca của toàn thể người tham dự trong bài quốc ca VNCH dội lên nhắc nhớ mọi người hình tượng lại cuộc chiến đấu của người lính VNCH mà hình ảnh vẫn còn kia. Ðó là toán Quốc Quân kỳ. Ðó là những cựu chiến binh VNCH bên những vũ khí, phương tiện quân sự trong chiến tranh đang chờ phụ diễn lại cảnh chiến đấu can trường của người lính VNCH. Những cuộc chiến đấu ấy đã để lại biết bao thương binh mà chúng ta phải nhớ đến.

Nhắc nhớ đến những người thương binh này, cựu trung tá nữ quân nhân Hạnh Nhơn, trưởng ban tổ chức kể lại những thảm cảnh “Họ là những người đã hy sinh tất cả để bảo vệ an ninh cho Tổ Quốc và cuộc sống yên lành của dân chúng miền nam. Vậy mà sau khi đất nước bị cộng sản chiếm đoạt, tuy còn sống sót nhưng họ lại là những người kém may mắn nhất, phải âm thầm sống trong cảnh thiếu thốn nhục nhã cùng cực, phải mang tấm thân tàn với những bệnh hoạn và tàn tật thương tâm như mù lòa, bại liệt, cụt một tay hay cả hai tay, cụt một hay hai chân, với những thương tích từ hơn 30 năm trước vẫn chưa lành vì không được chữa trị, và nhất là không có một nghề nghiệp nào thích hợp với tàn lực của anh em trong cuộc đổi đời. Ðã vậy còn bị chính quyền cộng sản hắt hủi, xua đẩy và làm nhục gần như muốn loại bỏ họ ra khỏi xã hội. Nếu có cảnh địa ngục trần gian thì anh em thương binh là những nạn nhân đang phải ngụp lặn trong đó cho đến khi lìa đời”.

Ông Nam Lộc, người đứng vận động anh chị em nghệ sĩ cho biết: “Ðối với anh chị em nghệ sĩ, trong cả năm trời đi lưu diễn khắp nơi nhưng không có buổi gây quĩ nào đối với họ có ý nghĩa hơn là gây quĩ cứu trợ thương binh VNCH”.

Ý nghĩ này cũng được nữ ca sĩ Ý Lan, Diễm Liên, Phương Hồng Quế và nam ca sĩ Tuấn Vũ, Nguyên Khang nhắc lại trong cuộc phỏng vấn của đài truyền hình SBTN sau đó.

Một nhân vật đang được cộng đồng nhắc nhở đến khá nhiều là nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh. Bà đã từ miền Ðông nước Mỹ bay về có mặt trong đại nhạc hội cứu trợ này. Trước khi phát biểu theo lời mời của ban tổ chức, bà đã đưa tấm ngân phiếu 2 ngàn Mỹ kim cho ban tổ chức để đóng góp vào công cuộc cứu trợ. Trong lời phát biểu, bà đã nhắc đến nỗi nhục nhã và khổ ải của người thương binh VNCH sau 30.4.1975. Bà nhấn mạnh “Thương binh VNCH không phải là những kẻ mồ côi, hay nạn nhân bão lụt đang trông chờ vào sự bác ái của chúng ta. Họ chính là chủ những món nợ ân tình mà chúng ta đã vay ngày trước. Dẫu chủ nợ không có khả năng đòi nhưng chẳng lẽ tôi lại đành lòng làm ngơ và dù biết là trả hết cả đời cũng vẫn chưa xóa được nợ, nhưng thôi tôi đành cố gắng được chút nào hay chút đó, bằng cách này hay cách khác. Ðó là sự có mặt của tôi hôm nay trong đại nhạc hội này”.

Tiếp đó nhiều khách đặc biệt của đại nhạc hội cứu trợ thương binh VNCH cũng được ban tổ chức mời lên phát biểu. Nữ phi công can trường Elizabeth Phạm của Quân Lực Hoa Kỳ có mặt cũng cho rằng “từng được chứng kiến sư hy sinh của đồng ngũ nên cô hiểu và tri ân những thương binh VNCH vô cùng”. Nữ phi công Elizabeth Phạm cũng kêu gọi tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại hãy tiếp bước cha anh để cho một Việt Nam được tự do dân chủ.

Người thương binh quả cảm can trường Quách Vĩnh Trường cũng đại diện anh em thương binh trong nước và hải ngoại nói lên lời tri ân sâu sắc đối với những sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại.

Phần phát biểu của quan khách tham dự khá ngắn gọn nhưng súc tích và đầy ý nghĩa. Ðây là sự sắp xếp của ban tổ chức muốn dành nhiều thì giờ cho bà con thưởng thức một chương trình ca nhạc với gần cả trăm ca nhạc sĩ, nghệ sĩ đóng góp. Các ca nhạc sĩ đã chọn hát những bài hát của một thời chiến chinh. Mỹ Lan và Trần Thiện Anh Chí với “Anh Không Chết Ðâu Anh”, Băng Tâm với “Từ Ðó Em Buồn”, Công Thành và Lyn với “Tình yêu Thủy Thủ', Ý Lan với “Kỷ Vật Cho Em”, Doanh Doanh với “Nắng Chiều”, Nguyễn Hồng Nhung với “Người Tình Không Chân Dung”, Lâm Nhật Tiến với “Những Ðêm Chờ Sáng”, Thanh Lan với “Tôi Nhớ Tên Anh”, Nguyên Khang với “Chân Trời Tím”, Diễm Liên với “Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay” và Thanh Thúy với “Tấm thẻ Bài”. Rồi Tuấn Vũ, Mỹ Huyền, bé Ðan Vy, Phương Thảo-Ngọc Lễ, Phương Hồng Quế... tất cả đã làm cho sân khấu vừa sôi động vừa xúc động không chỉ qua lời ca tiếng hát mà còn ở những chân tình của các ca nhạc sĩ phát biểu trước mỗi bài hát được trình bày.

Trong lúc này thì đài truyền hình SBTN phát sóng trên toàn cõi Hoa Kỳ, Canada và Úc Châu trực tiếp truyền hình được công ty điện thoại V247 mở 25 luồng sóng tiếp nhận sự đóng góp của cộng đồng người Việt là khán thính giả SBTN ở khắp nơi gọi về đóng góp. Vào lúc 3 giờ chiều, tin được loan đi có sự đóng góp một khoản tiền lớn là 100 ngàn Mỹ kim của ông Trần Ðình Trường ở New York. Cũng vào lúc này, chỉ riêng khán thính giả của SBTN gọi vào đóng góp đã lên tới trên 80 ngàn trong khi tại chỗ cũng lên tới trên 30 ngàn. Ðồng bào khắp nơi liên tục gọi về đài xin đóng góp tới tấp khiến V247 phải gia tăng thêm hơn 10 làn sóng nữa mà vẫn không kịp tiếp nhận. Ba ca trực điện thoại gồm nhân viên đài SBTN, các phụ nữ thiện nguyện trong cộng đồng, anh chị em trong gia đình không quân VNCH, các em trong Gia Ðình Phật Tử Miền Quảng Ðức và các em trong tổ chức Hồng Thập Tự đã thay nhay tất bật suốt 7 tiếng đồng hồ đón nhận hàng ngàn cú điện thoại, cho mãi tới khi trên sân khấu các ca nhạc sĩ và ban tổ chức cùng nhau cất tiếng đồng ca “Và con tim sẽ vui trở lại” để tạm chia tay, kết thúc buổi đại nhạc hội cứu trợ Thương Binh VNCH, nhiều thiện nguyện viên vẫn còn phải trả lời và ghi nhận những sự đóng góp của đồng bào người Việt hải ngoại.

Nhìn trong diễn tiến buổi đại nhạc hội cứu trợ Thương Binh VNCH kỳ II này thấy quả là một sinh hoạt cộng đồng đúng nghĩa nhất. Nhiều hình ảnh thật xúc động như một cặp hai bác cao niên dìu nhau đến góp chút tiền già của mình còn cộng thêm với một bao lì xì nói là của đứa cháu để dành từ hồi Tết trong đó có 3 tờ 5 đô la cháu xin được gửi đến. Một hình ảnh khác nơi cửa ra vào, các em nhỏ trong Gia Ðình Phật tử, nhiều em chỉ mới 8, 9 tuổi cũng đến tham gia vào việc cung cấp nước giải khát cho đồng bào vào xem nhạc hội. Các em đã thay phiên nhau cùng các chú bác cựu quân nhân phát hết 16 ngàn chai nước ngọt do công ty Pacific Machine Company của ông Paul Chiểu cung cấp. Một hình ảnh khác nữa là nữ khoa học gia Dương Nguyệt Ánh và nữ phi công Elizabeth Phạm liên tục được yêu cầu chụp hình kỷ niệm với gia đình khiến cho nơi hậu trường sân khấu lúc nào cũng đông kín những đồng hương đủ mọi lớp tuổi...

Mãi đến 8 giờ tối, đại nhạc hội kết thúc rồi mà nhiều đồng hương còn tụ lại san sẻ khó nhọc với anh em cựu quân nhân đang bắt đầu công việc thu dọn hiện trường. (NH)


Đại nhạc hội “Cảm Ơn Anh Người Thương Binh VNCH-Kỳ II”
Saturday, August 02, 2008

Các thành viên ban tổ chức Ðại Nhạc Hội “Cảm Ơn Anh Người Thương Binh VNCH-Kỳ II” chuẩn bị sân khấu tại sân vận động trường trung học Bolsa Grande, Garden Grove, hôm Thứ Bảy vừa qua.

Ngày giờ: 12PM-8PM, hôm nay, Chủ Nhật, 3 Tháng Tám, 2008.

Ðịa điểm: Sân vận động trường trung học Bolsa Grande, 9401 Westminster Blvd., Garden Grove, CA 92844, góc với Bushard.

Ðại nhạc hội nhằm vinh danh người chiến sĩ VNCH và gây quỹ giúp thương binh và quả phụ VNCH do Hội H.O. Cứu Trợ TPB và QP VNCH, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Trung Tâm Ca Nhạc Asia và đài truyền hình SBTN phối hợp tổ chức với sự yểm trợ của nhiều hội đoàn và cơ quan truyền thông hải ngoại.

Chương trình có sự tham gia đặc biệt của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh và các MCs Nam Lộc, Thùy Dương, Việt Dzũng, Bảo Châu, Giáng Ngọc, Orchid Lâm Quỳnh, Ðỗ Tân Khoa và Minh Phượng cùng các ban nhạc Tù Ca Xuân Ðiềm, The Soldier, Y2K, Moon Flowers và The Asia Band.

Các ca sĩ tham gia bao gồm Ý Lan, Thanh Lan, Nguyên Khang, Diệu Hương, Phương Hồng Quế, Phi Nhung, Mai Lệ Huyền, Ngọc Minh, Diễm Liên, Lâm Nhật Tiến, Hồ Hoàng Yến, Tuấn Vũ, Trung Chỉnh, Y Phương, Lê Nguyên, Thùy Hương, Hoàng Liên, Philip Huy, Băng Tâm, Ánh Minh, Ðan Nguyên, Diệp Thanh Thanh, Doanh Doanh, Nguyễn Hồng Nhung, Mỹ Huyền, Y Phụng, Trường Vũ, Thanh Tuyền, Ngọc Huyền, Quang Minh-Hồng Ðào, Phương Thảo-Ngọc Lễ, Paolo, Nguyễn Tiến Dũng, Mỹ Lan, bé Trần Thiện Anh Chí, bé Ðan Vi và nhiều ca nhạc sĩ khác.

Ðại nhạc hội sẽ được đài truyền hình SBTN trực tiếp truyền hình khắp Hoa Kỳ và Canada qua hệ thống sattelite và cable và khán thính giả có thể theo dõi chương trình và ủng hộ hiện kim qua các số điện thoại miễn phí hiện trên màn hình.

Ban tổ chức sẽ có dù bạt cho khán giả tránh nắng.

Giá vé $10/người, bán tại cửa và tại Hội H.O. Cứu Trợ TPB và QP VNCH (714-539-3545); Trung Tâm Ca Nhạc Asia (714-775-8264); các nhà sách Tú Quỳnh (714-531-4284); Tự Lực (714-531-5290); Văn Khoa (714-892-0801); Văn Bút (714-895-7080); Trung Tâm Pháp Quang (714-891-1485); ABC Copy (714-596-5536), Trung Tâm Bích Thu Vân (714-897-4519); Newland Pharmacy (714-892-5372); Pacific Pharmacy (714-839-1197).

Chi phiếu bảo trợ xin đề: “ÐNH Cảm Ơn Anh-Kỳ II” và gởi về đài truyền hình SBTN, P.O. Box 127 Garden Grove, CA 92842 hoặc Hội H.O. Cứu Trợ TPB và QP VNCH, P.O. Box 25554 Santa Ana, CA 92799. Mọi đóng góp đều được miễn trừ thuế.

No comments: