Monday, December 21, 2009

Bài Viết về TPB VNCH


TRÊN ĐÔI NẠNG GỖ
"Anh trở về trên đôi nạng gỗ""Anh trở về dang dở đời em!".
Cầm tờ giấy xuất viện, họ hẹn 6 tháng sau trở lại tái khám, Ngô văn Công đu mình trên đôi nạng gỗ, chân cao chân thấp đến thăm người yêu trước khi về với mẹ già dưới quê ở Cần Thơ.

Đứng trước cửa nhà Dung trên đường Trần quang Khải một lúc lâu, anh ngập ngừng đưa tay toan gõ cửa thì nghe như có tiếng ai hát từ trong vọng ra: "Anh trở về..dang dở đời em", anh còn nghe cả tiếng ê-cô dội lại:
"Sao anh không đi luôn đi, cụt giò rồi còn trở về mà chi cho đời em thêm dở dang?"!

Tai Công ù đi, không phân biệt được đó có phải là tiếng người con gái hát hay là những tiếng "o, o" trong lỗ tai từ khi bị sức ép của tiếng nổ do pháo binh địch 130 ly gây lên? Anh cúi xuống bất chợt nhìn thấy ống quần chân phải lắc lư, anh cũng lắc lư cái đầu theo nhịp ống quần cho đồng điệu, không gõ cửa nhà người yêu nữa, ra bến xa cảng miền Tây lên xe về thẳng quê, nơi đó mẹ già đang mong tin con hằng ngày.

Đó là câu chuyện tình buồn năm 1970 khi người lính trở thành TPB. Sau 35 năm số phận những người TPB có thay đổi gì không? Dĩ nhiên là dưới chế độ XHCN thì khá hơn, khá khốn nạn hơn.
Ký giả người Nhật Yoshitaga Yushi ghi lại trong bài viết về: "Số phận của người TPB miền Nam Việt Nam"(Click vào tiêu đề trên để đọc nội dung). Tôi vừa tóm lược ý kiến của một ký giả người Nhật (NV số717) nói về chính sách khoan hồng của XHCN đối với ông Hùng và Công. Chúng tôi không lạ về chuyện khoan hồng khoan đỏ của VC. Lạ một điều là Ngô văn Công vẫn "còn sống", nếu đúng hắn là người nằm cùng một phòng với Nguyễn kim Tiền và tôi trong bệnh viện từ tháng 6-69 đến 6-70. Tôi đem chuyện Ngô văn Công kể cho Tiền đang nằm trên giường bệnh nghe.
Tiền tin chắc người TPB mà ký giả Yoshitaga Yushi gặp tại Cần Thơ đúng là thằng bạn "Công cụt giò" của chúng tôi. Ba thằng cùng bị thương khắp người như ba cái bị rách.
Công thê thảm hơn vì bị cụt một giò trên đầu gối. Chúng tôi thường đùa với hắn và cũng là để tự an ủi: _ "Mất một chân không sao, cái Giống vẫn còn là tốt rồi, sau này ai mà biết mình là người chân chính hay chân phụ, chân thật hay chân giả". Có lẽ cám cái cảnh một thằng bạn cụt chân, sau 35 năm vẫn đu mình trên đôi nạng gỗ cũ mèm, mà không có được một cái chân giả để đi đứng cho có vẻ oai phong, là một cựu quân nhân QLVNCH, nên khi tôi bắt tay từ giã nó để đi "tham dự" chương trình văn nghệ do hội Bạn người Cùi tổ chức, Nguyễn kim Tiền thều thào hỏi: _ "Thế còn chương trình văn nghệ giúp TPB ở VN đến đâu rồi?" _ "Đang chuẩn bị, mày cứ yên tâm ĐI". Tôi lại nói dối người sắp chết Nguyễn kim Tiền một lần nữa và cố ý nhấn mạnh ở chữ ĐI.

Nó là cựu học sinh Trần Lục, con chim đầu đàn trong mọi sinh hoạt của hội TQLC Nam CA, lúc nào cũng sẵn sàng móc túi ứng trước để thực hiện tập đặc san ST rồi lượm bạc cắc sau, thiếu đủ không thành vấn đề. Mới đây hắn bàn cùng Phạm vũ B.. và chúng tôi là làm sao tổ chức được một buổi văn nghệ để gây quỹ giúp thương phế binh tại quê nhà, TPB mọi quân binh chủng, ĐPQ & NQ, mọi thành phần vì chiến đấu chống cộng mà nay trở thành thân tàn ma dại chớ không riêng cho TPB/TQLC.

Đang chuẩn bị vận động thì bất ngờ hắn ta bị "cúm" hành rồi ung thư phổi. Bệnh đã tiến tới đỉnh cao và bị xuất viện. Bác sĩ cho về nhà, không ki-mô ki-miếc gì nữa, cho tự do, muốn làm gì thì làm, nhanh thì 2 tuần, chậm là một tháng! Cái nó muốn làm thì không còn làm gì được nữa nên nó mới hỏi tôi, nay tôi gởi lại anh lang tây Phạm vũ B.. và các bạn cưụ học sinh Trần Lục có nên dùng uy tín của mình trong giới y-sĩ và giới truyền thông để vận động giúp nó không? Giúp thực hiện nguyện vọng của một thằng sắp chết mà còn nghĩ đến TPB còn sống tại quê nhà! Chưa biết đến bao giờ nhưng giả tỉ như khi chương trình văn nghệ gây quỹ giúp TPB thực hiện được thì có lẽ nó đã Đi rồi! Nếu "chẳng may" nó còn đứng dậy được để tiếp tục công việc thì đó là một phép lạ. Tôi mong như thế, tin như thế, tin chắc như thế vì cho đến giờ phút tôi viết những dòng này (20-6-05) thì Nguyễn kim Tiền đã vượt qua gấp đôi cái giới hạn tối đa là một tháng của BS bệnh viện ung thư Hoa phán.

Cái vui khôn tả là sức khỏe của nó ngày càng hồi phục tới độ lạ kỳ. "Xin Thượng Đế khoan cất nó về, vì nó còn nợ TPB, ai cảm thấy không còn nợ nần gì với TPB thì cất trước đi". Đúng lý ra vì vấn đề tế nhị tôi không nên nói về cá nhân Nguyễn kim Tiền, nhất là nó đang bệnh.
Câu chuyện có vẻ lạc đề nhưng lại rất hữu ích cho những người có lòng với TPB và nhất là những người CÓ LÒNG TIN. Tóm tắt như sau: Khi hết giai đoạn chữa bằng hóa trị và phải dùng máy hút nước từ trong phổi ra mỗi ngày cả lít có màu vàng và hồng thì BS cho Tiền về nhà để "dưỡng bệnh" (!) và mọi kế hoạch hậu chiến, hậu sự đã xong. Linh Mục Luân được mời đến giúp nó xưng tội rước lễ lần cuối cùng. Khi "xức dầu" cho người sắp ra đi, cha nói: _ "Tôi xức dầu cho anh thêm sức mạnh". Và nó đã mạnh lại thật như lời cha Luân phán.

Từ giai đoạn không ăn uống gì, một chút sữa ensure cũng ói, chỉ bôi một tí nước lọc cho khỏi khô môi thì Tiền đã tỉnh lại sau khi được xức dầu và qua ngày hôm sau đã đòi uống, đòi ăn, bước sang tuần thứ 8 thì ăn bánh mì thịt, bánh dầy kẹp chả đúng "gu Bắc Kỳ". Hòa "đầu bạc" còn hỏi đùa thế "nó" đã nhúc nhích được chưa thì Tiền toét miệng cười dễ ghét.
Tôi không đi vào chi tiết quyền năng chữa bệnh của Linh Mục Luân, vì ông luôn nhấn mạnh là ông chỉ cầu xin ơn trên dùm cho bệnh nhân, khỏi hay không là do LÒNG TIN của mỗi người. Tôi cũng không nhắc đến địa chỉ của Cha và tên những bệnh nhân nan y đã được qua cơn hiểm nghèo như trường hợp Nguyễn kim Tiền. Ngày cha Luân xức dầu cho Tiền có mặt B.Đ.Q CNN và Hòa "đầu bạc", hai nhân chứng và cũng là hai người bạn học ngày xưa, nay hàng ngày hàng tuần săn sóc cho Tiền.
Tiền và tôi sống bên nhau trên 35 năm, tuy cùng là "con chiên" nhưng không biết nhau là cùng tôn giáo! Chỉ tới khi thập tử nhất sinh nó mới kêu Chúa và tôi mới kêu Cha để lo phần hồn cho nó. Đúng là lũ "vô đạo". Nhưng LÒNG TIN và CÓ LÒNG với TPB đã giúp nó đứng dậy... Xin quay trở lại đề tài trên đôi nạng gỗ.

Hội trường nơi tổ chức văn nghệ giúp người cùi không còn một chỗ trống, hình như mọi người tới đây để "THAM DỰ" chương trình giúp người cùi chớ không phải đến để XEM văn nghệ vì tôi gặp cả mấy ông già khó tính, hủ lậu không bao giờ thích chuyện ca hát. Tôi hỏi cụ ông Phạm văn C..: _ "Hồi xuân rồi hay sao mà hôm nay anh đi coi văn nghệ đây?" _ "Hồi cái con khỉ, tao đi vì Người Cùi. Chú mày biết tao già rồi mà.

Tao cảm thấy hạnh phúc khi được chính phủ nuôi, có SSI, có đi-keo đi-két đầy đủ nhưng nếu tao chia một chút cho người cùi thì hạnh phúc của tao tăng gấp đôi" _ "Thế sao anh không ủng hộ một tí cho quỹ TPB, những đệ tử của anh" _ "Có nghe ai nói gì đâu, chú mày kêu gọi tổ chức đi." Trên sân khấu, những danh ca mà thường thì một "sô" của họ đáng giá ngàn vàng. Vậy mà trong chương trình này họ hát không biết mệt. Vừa hát vừa ôm.. thùng đi xuống hỏi thăm khán thính giả. Những người đã mua vé tham dự vẫn hoan hỉ, hân hoan, hoan nghênh, hoan hô ủng hộ thêm vào cái thùng của cô ca sĩ. Việc lượm bạc cắc này của cô cũng đạt số tiền 5 ngàn đô! Đáng kể nhất là "Người yêu của lính" Ngọc M.. họat động từ đầu tới cuối, hết công suất khiến trong tận đáy lòng của tôi nổi lên chút ghen tị, đã toan phát ngôn: "Bỏ lính rồi đi theo người C..hay sao đây?". Nhưng chặn lại kịp trong cổ họng. Theo ban tổ chức hội BNC, thì số thu được cho quỹ đã lên quá con số một trăm năm chục ngàn đô! Chưa hết, hội cho biết ân nhân vẫn tiếp tục gởi về và trung bình thu được Ba trăm ngàn đô mỗi năm (báo NV số 7111). Quá đã! Xin quý ông đi qua, quý bà đi lại dừng chân đôi phút cho tôi tường trình về hội Liên Trường cứu trợ TPB/VNCH. Hội Liên Trường là một hội rất đáng nể, có vai vế ở Nam CA, họ là cựu học sinh các trường trung học Trưng Vương & Chu văn An, Lê văn Duyệt & Trần Lục, Gia Long & Pétrus Ký, Nguyễn bá Tòng & Võ trường Toản, Nguyễn Trãi v.v.. nguồn cung cấp cho QL/VNCH những đại đội trưởng, tiểu đoàn, trung đoàn trưởng và dĩ nhiên trong thành phần TPB có rất nhiều đồng đội và thuộc cấp của họ nên họ vẫn tích cực gây quỹ giúp đỡ TPB và cô nhi quả phụ. Trong gần 4 năm qua hội đã giúp với tổng số tiền là 35,828 đô tức là vào khoảng gần Chín ngàn đô cho một năm (Việt Tide 202).

So sánh hai con số Ba Trăm Nghìn tức BA MƯƠI VẠN dành cho người cùi và chín nghìn đô ưu tiên cho TPB tôi thấy ngậm ngùi cho những "tên đui què mẻ sứt": _ "Thương phế binh chẳng là cái BA VẠN CHÍN NGHÌN gì cả!" Nếu ai xem những hình ảnh do Mục Sư Bảo ghi lại trong những chuyến cứu trợ do ông chủ xướng mới thấy TPB/ VNCH đi bằng tay và lắc mông nhiều quá. Như ông Hùng mà ký giả Yushi gặp ở Cần Thơ, cái ông mà hội cứu trợ phi quốc gia NGO cho riêng ông một xe lăn thì bị nhà nước XHCN thu hồi! Có thể trong một ngày rất gần lại có một đại nhạc hội gây quỹ cứu trợ cho các cháu ngoan "bác Hồ" đang bị đem bán trôn để nuôi miệng đảng viên đảng CSVN. Họ là những phụ nữ sinh ra và lớn lên dưới XHCN, đã bị tổng bí thư Lông đứt Mạnh đem bán làm nô lệ tình dục cho những tên đui què mẻ sứt bên Đài Loan. Các cháu này đang "kêu cứu như cha chết" (lời của cán bộ tiến sĩ Nguyễn đăng Doanh). Cô tổng quản trị đài LSR và chủ bút tuần báo Việt Tide vừa sang tận nơi để ghi nhận những hình ảnh thật thương tâm của các em bé VN đang bị đám "Tàu-xưa" chà đạp (có người giải thích Tàu-Xưa là ghe-củ, tức là lũ C.. .ghẻ).

Chúng tôi hoan nghênh việc làm nhân đạo và có ý nghĩa chính trị cao. Càng hoan nghênh khi cô kêu gọi đồng hương cứu giúp các cô gái này. Tiếng nói của cô chủ đài LSR bay rất cao và rất xa, có ảnh hưởng rất lớn. Nhờ tiếng kêu gọi của LSR, của cô mà nạn nhân TSUNAMI mãi tận xứ ông Xu-kạc-No cũng được cộng đồng người Việt CA tặng 8 trăm ngàn đô. Đề nghị cô cho anh em TPB/QLVNCH một tiếng nói. Nhìn sự thành công của hội BNC và nhất là lòng nhiệt thành của khán giả đến tham dự mà buồn cho câu hỏi của NG-k-Tiền: "Thế chuyện của TPB đến đâu rồi?" Ông nhạc sĩ nói với anh thương binh rằng: "Ngày trở về, anh bước lê chống nạng cày bừa.. v.v..".

Đó chỉ là lý thuyết thôi! Còn "ruộng" đâu mà cày! Mà giả sử "Người cày có ruộng" thì cũng không thể vừa chống nạng vừa cày được! Thương phế binh đã thiệt thòi, mà lại là TPB của QLVNCH sống dưới chế độ XHCN thì..hết nói. Chả còn gì để bàn thêm nữa! Cứ đọc lời ký giả Yoshigata Yushi ghi ở trên là đủ . Đại đa số các anh TPB không "được" đi tù CS để có 3 năm làm vốn lận lưng, mà cũng không còn đủ tứ chi, mắt mũi mồm miệng, tim gan phèo phổi nang tỳ phế thận lòng ruột bao tử, tái sách nạm gầu v.v.. thì lấy đâu mà đi với đứng, lấy đâu mà nghe với trông, ăn với nói, kêu với gào! Bẩm sinh ra các anh đâu phải như vậy! Cũng hiên ngang hùng dũng đẹp giai như ai, cũng có người tình duyên dáng nhí nhảnh, có vợ đẹp con khôn, vì danh dự và trách nhiệm, theo lệnh tòng quân "ra biên cương, ra nơi tiền tuyến" ngăn quân thù cho đồng bào và cho ai đó là thượng "tẩu vi thượng sách"! Phần thưởng cho các anh là "Cái Bị" bảo quốc huân chương kèm theo anh dũng bội tinh với "Cây gậy"! (Đừng cho tôi là cố tình bôi bác, chỉ những anh mang huy chương "ăn giỗ" hay mang Bảo Quốc đi ăn nhà hàng mới là bôi bác huy chương).

Tôi không có ý đem so sánh sự đau khổ này với sự đau khổ khác xem cái nào tệ hơn cái nào. Nhưng những người bị bệnh phong cùi là do tại Thiên, hiện tại họ là công dân của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Còn anh em quân nhân QLVNCH trở thành TPB là vì chúng ta. Chúng ta là đồng bào, là nhân dân, là thượng cấp tối cao của họ. Quân đội vì nhân dân mà chiến đấu vì đồng bào mà hy sinh. Tướng tá là cấp chỉ huy. Đồng bào mới là Thượng Cấp Tối Cao của TPB/VNCH. Cấp chỉ huy đã quên họ. Không lẽ Thượng Cấp Tối Cao chỉ ưu ái với công dân của nước XHCN mà chán ngấy TPB/VNCH bị tụi yêu quái CS đạp ra ngoài lề xã hội! Khi thấy các "thượng cấp tối cao" mau mắn kêu gọi, hô hào, hào phóng giang tay cứu nạn nhân TSUNAMI bên Nam Dương thì trong cái chòi bên con rạch nhỏ Đồng Nai có tiếng thở dài của TPB/VNCH: "TSUNAMi ơi. .sao mi không tạt ngang qua đây một tí để cho tao ăn theo vài cent! Tsunami biến thành TiênSư Nhà Mi !" Hội bạn Người Cùi gây quỹ rất thành công nên họ còn trích ra đem sang tận Nam Dương, Sí-lăng-Ca V.V.. để tặng nạn nhân TSUNAMI.

Tôi định làm phiếu trình lên cựu đại tướng Nguyễn Khánh đề nghị ông đến xin họ ủng hộ tí làm quỹ cho TPB. Dù sao ông đã là Quốc Trưởng mà những người đánh bóng ngôi sao cho ông bị thành TPB vô số kể. Điển hình là trung sĩ Nguyễn duy X.. thuộc TĐ.1/TQLC, giữ an ninh cho ông đứng công bố "Hiến chương Vũng Tàu" đã bị nhóm người biểu tình phản đối ông ném đá trúng gãy xương sống anh. Anh nằm liệt từ đó trong góc rừng Trảng Bom! Và anh cũng vừa từ trần.
Nhưng thôi, vô ích, vì bây giờ ông đang bận bịu với công việc của CUỐC CHƯỞNG vả lại không lẽ TPB của QLVNCH lại đi ăn chặn tiền của Người Cùi XHCN hay sao! Trong hội chợ Xuân Ất Dậu tại Garden-Grove của sinh viên, gian hàng TPB rất lưa thưa. Ông BĐQ Nguyễn Phán, người tích cực kêu gọi gây quỹ cho TPB nhưng hôm đó ông đứng nhìn trời hiu quạnh mà lòng thấy quạnh hiu. Nhác trông thấy ông, theo gương thượng cấp, tôi lủi sang khu bán thịt nướng để chen vai thích cánh mua cho được que thịt mà thường ngày ở nhà bà già năn nỉ bắt ăn tôi cũng lắc đầu! Bà chị Hạnh Nhân của TPB cũng tất bật ngược xuôi, không quản ngại bị gậy đi xin tiền cho TPB, chuẩn bị thuê rạp tổ chức văn nghệ cả năm nay rồi mà vẫn chưa thực hiện được. Không hiểu tại sao? Thực ra thì có rất nhiều nhóm hoạt động cho công việc nhân đạo này từ lâu rồi, nhưng vì quá lẻ tẻ và thiếu vận động nên kết quả chẳng bao nhiêu. Hình như mỗi binh chủng đều lo cho TPB của họ. Thí dụ như TQLC, BĐQ, ND, BK 81, VB, TĐ v.v.., tuy nhiên có tính cách nội bộ gia đình và cũng rất khiêm nhường. Còn những TPB khác thì sao? Trông chờ vào một mình ông Mục Sư Bảo? Con én Nguyễn ngọc Lập không làm nổi mùa xuân. Ai cũng biết anh Lập là một nhân vật nổi "tiếng" ở Little Saigòn.

Bất cứ chương trình phát thanh nào có mục cho thính giả gọi vào góp ý đều có tiếng nói sắc bén của anh. Lý luận vững chắc lúc ban đầu khiến nhiều ông phải đau đầu. Nhưng ít ai biết anh là người âm thầm đi gõ cửa khắp nơi hơn 10 năm nay để xin xe lăn cho TPB. Nhưng vì có một mình nên tiếng nói không đi xa mà chỉ quẩn quanh những nơi quen biết nên nhiều thân chủ vừa trông thấy anh là như đụng cơm nếp nát. Một thiểu số cho là anh "mát". Nhưng theo tôi, anh đã có cử chỉ làm "mát lòng chiến sĩ", chứ không "ấm cái đầu" như thiểu số nọ. Một vài "liệt lão" nói rằng hội BNC thành công vì Người Cùi họ sống tập trung còn TPB thì sống rải rác quá! Thoáng nghe qua có vẻ nhân nghĩa bà Tú Đễ. Chắc liệt lão đã bay trước ngày 30-4-75 nên mới có lý lẽ "liệt não" như thế. Thưa quý cụ, tại góc đường Trương Định và Nguyễn Du có Th/úy Lê văn Tâm BB không .. ..chân, đít bịt miếng cao su, ngồi sửa xe đạp. Bạn anh là thằng Quang ND ngồi xe lăn bán vé số.

Thằng Ly TQLC cà thoọc đạp xe bỏ mối rượu lậu. BĐQ Dũng chân thật chân giả đạp xích lô. Cứ mỗi chiều tàn, họ tụ về đây chia nhau điếu thuốc, miếng cơm, câu chuyện gia đình. Vậy mà thằng Khánh công an khu vực phường Lý tự Trọng ( Nguyễn Du) đến kết tội các anh "tụ tập có âm mưu lật đổ chính quyền"! Làm như chính quyền cuả nó là cái lon sữa bò chứa nước tiểu của anh Tâm! Quý cụ bay trước 75 đâu biết cái thảm cảnh này mà đòi gom bi TPB. Tụi CS sợ TPB hơn ông cố nội nó. Hở ra là nó "chặt". Ở đó mà sống tập trung! Ngây thơ bỏ mẹ. CHÚNG TA PHẢI LÀM SAO? Có nhiều vị sao hỏi LÀM SAO rồi. Hỏi kiểu đánh trống bỏ dùi. Chả hiểu quý vị còn khả năng đánh trống bỏi được nữa không nhưng cái dùi thì vẫn mang theo mà việc giúp TPB thì cứ bỏ lửng.

Cách nay 2 năm, tôi tham dự đại hội, một trong những điều đưa ra trong đại hội là TPB, đã có nhiều trung tâm và trung tâm trưởng mọc lên khắp nơi như nấm sau cơn mưa, nhưng chữ TPB thì trở thành chữ: Thôi Phải Bỏ! Nghe nói tháng 6-05 này lại họp để rà xét kết quả hoạt động. Nếu đúng như thế thì xin ông trung tâm trưởng Ngô G.., ông đại diện Ng-h-C.. nhắc chủ tướng dùm chúng tôi vấn đề TPB như đã hứa. "Nhất tướng.. ..có vạn cốt khô" thì phải có vạn vạn TPB. Bất cứ ông Sao nào cũng có bổn phận phải lên tiếng về TPB. Nhưng thật là hiếm hoi, có lẽ im lặng là ..Vàng vẫn quý chăng" Người có lòng thì lại e ngại, sợ bị chỉ trích. Đừng sợ bị phá, bỏ cái thú đọc diễn văn hay làm chủ tọa đi mà sắn tay áo lên ra lệnh hô: "Xung Phong cho TPB" thì vạn người theo. Thuộc cấp sẽ không đứng sau lưng quý vị mà sẽ xung phong "có anh đi hàng đầu" như đã từng xung phong theo lệnh ngày xửa ngày xưa: "Bằng mọi giá phải chiếm cho được..nếu không tôi cho anh ra tòa án QS!" Những bằng chứng cụ thể tôi nêu ở trên chứng tỏ lòng nhân ái của cộng đồng người Việt hải ngoại rất cao, nhất là anh chị em trong giới văn nghệ sĩ. Chỉ cần một lời kêu gọi, con có khóc mẹ mới cho bú.

Nếu quý vị Sao sợ cháy danh vọng, không dám đứng ra tổ chức thì chỉ xin quý vị khóc lên một tiếng là chắc chắn chị em nghệ sĩ sẽ cho bú ngay, đồng hương sẽ nhiệt liệt hưởng ứng, có phải thế không các ông anh bà chị ngành truyền thông? Chắc chắn là O.K, có phải thế không các anh chị văn nghệ sĩ. Nếu thân làm Sao không dám khóc thì tôi xin khóc thay cho Ng-k-Tiền. Một tên "sắp chết" mà còn nghĩ đến TPB để kính xin các ông anh nhà báo lên tiếng, mỗi ông cho vài dòng kêu gọi cho gây TPB. Ước chi những anh chị xướng ngôn viên các đài phát thanh, mỗi người chỉ cần cho tập thể TPB 30 giây tiếng gọi trên làn sóng là quý hóa lắm rồi.
Ước chi những nghệ sĩ ngày xưa từng thiết tha với lính nay đứng lên ca cho TPB nghe một vài bài: Anh không chết.., Trên đôi nạng gỗ.., Ngày trở về anh bước lê.., Anh về hòm gỗ cài hoa.. ., Trên chiếc băng-ca? ., Sao anh không đi luôn đi, về làm chi cho dang dở đời em? ..Con ễnh ương nó nằm trong cái nón sắt của anh bên bờ lau sậy này! Và cùng với TPB đồng ca bản: "Cờ bay.. ..Cờ bay trên thành phố thủ đô SAI-GON thân yêu vừa chiếm lại đêm qua. ..".. Và ước chi những dòng này lọt vào mắt người ca nhạc sĩ "cả tiếng lại dài hơi", lời kêu gọi của anh vang lừng trên bốn cõi. Phải thế không anh Nam Lộc? Ngày xưa khi còn cầm súng, khi nghe ông nào đó nịnh rằng một ngòi viết, một ký giả, mạnh hơn một sư đoàn là tôi bực lắm. Cho là các bố sợ họ tố tham nhũng nên nâng bi. Nay thì mới biết bao nhiêu sư đoàn cũng tan rồi chỉ còn những cây viết chiến đấu và lời ca mới tiếp sức sống và chiến đấu cho TPB/VNCH.

Trong 30 năm qua, không có yểm trợ của đồng hương, TPB vẫn sống, nếu hải ngoại có ngó lại thì cũng chỉ là thêm miếng đường vào chén nước muối cho dịu cái môi sứt. Không TPB nào có ước mơ được cựu đồng đội và thượng cấp nơi hải ngoại nuôi sống, và chúng ta cũng không có khả năng thực hiện diều đó. Nhưng tinh thần là chính. Mỗi năm ít ra cũng có một ngày gọi là vẫn nhớ đến các anh. Không có cao vọng gọi là "Ngày TPB", nhưng hội Bạn Người Cùi họ mỗi năm tổ chức một lần thì tại sao tập thể cựu QN không làm được? Ngày xưa ngoài tiền tuyến họ chiến đấu bằng súng đạn, nay cuộc chiến đã khác nhưng họ vẫn là những chiến sĩ tiền tuyến chiến đấu bằng cái đầu, hậu phương hải ngoại chờ gì nữa? Hậu phương to lớn chỉ toàn những quan cùng "quách", tối ngày họp với hành, bầu với bán, chủ nọ "tịch" kia mà không có binh ngoài tiền tuyến thì..! Một thương phế binh nói câu rất thực và khẳng khái: "Thiếu cái chân, hụt cái tay, nhưng còn cái đầu. Cùi rồi đâu có sợ lũ hủi VC".
C.vanto Số Phận Của Người Thương Phế Binh Miền Nam Việt NamYoshigata Yushi

Trong khi nhiều tờ báo lớn trên thế giới đến Việt Nam trong hai tháng 3 và 4 vừa qua để tìm hiểu và viết về những thay đổi tại Việt Nam sau 30 năm kết thúc chiến tranh, thì ký giả Yoshigata Yushi của Nhật Bản, cũng đến Việt Nam nhưng với tâm tư khác. Ông đến Việt Nam để tìm hiểu điều mà Hà Nội hay nói là 'xoa dịu vết thương quá khư' trong lòng ngưới dân miền Nam. Bài viết sau đây của ông đề cập về số phận chung của những Thương Phế Binh Miền Nam.


"Hãy quên quá khứ, đoàn kết lại để xây dựng đất nước" là câu nói thường được các nhà lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam nhắc lui nhắc tới kể từ khi quốc gia này áp dụng chính sách "đổi mới" vào năm 1986 dưới thời ông Nguyễn Văn Linh.

Ngày 30 tháng 4 vừa qua tại Việt Nam, các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam cũng lập lại câu này trong những buổi lễ tổ chức mừng "Chiến thắng 30/4". Lời kêu gọi này có gì sai , mà sao người dân Việt Nam không đáp ứng, phải để cho lãnh đạo hô hào hoài suốt gần 19 năm trời. Bất cứ chuyện gì được coi là đúng khi lý thuyết phải phù hợp với thực tế. Lời kêu gọi phải đi đôi với việc làm còn không thì tất cả đều vô nghĩa. Kêu gọi người ta hãy quên quá khứ thì chính mình cũng phải hòa đồng, cởi mở, đối xử công bằng với tất cả mọi người chứ không được kỳ thị.

Ở đây tôi muốn nói đến số phận chung của người thương binh miền Nam hiện nay vẫn còn bị chính quyền kỳ thị cho dù chiến tranh đã kết thúc đúng 30 năm. Họ đang là nạn nhân của một xã hội bị phá sản mọi thứ tại Việt Nam và đang cần, rất cần sự giúp đỡ của mọi người trong chúng ta. Từ khi áp dụng chính sách "đổi mới", chính quyền Hà Nội đã hé cửa cho một số hội đoàn thiện nguyện (NGO) nước ngoài vào Việt Nam làm công tác từ thiện, giúp đỡ những người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn.

Tôi đã được một người trong tổ chức NGO hướng dẫn đến trung tâm trị liệu phục hồi cho người tàn tật ở Cần Thơ. Tại đây tôi được gặp ông N. V. Công (73 tuổi, một thương phế binh của Việt Nam Cộng Hòa) khập khểnh bước đi bằng đôi nạng gỗ đã quá cũ mèm mà ông ta sử dụng từ năm 1973 đến bây giờ. Một người thương phế binh khác là ông N. C. Hùng (53 tuổi) cụt cả hai chân mà chẳng có một phương tiện nào khác để di chuyển ngoại trừ hai bàn tay. Muốn đi phải dùng hai bàn tay chống để lết. Cả ông Công và ông Hùng chẳng được một cơ quan nào của nhà nước giúp đỡ phải tự kiếm sống bằng những công việc như đan thúng, đan giỏ... Người nhân viên NGO này cho biết lý do tại sao tổ chức NGO của ông ta lại quyết định chọn con đường giúp đỡ những người thương binh miền Nam. Lý do Sài Gòn là nơi đầu tiên họ được đặt chân đến để hiệp tác cho chương trình xóa đói giảm nghèo mà chính quyèn Hà Nội kêu gọi. Sau khi đi tham quan nhiều nơi tại miền Nam, phái đoàn của tổ chức NGO này ra Hà Nội để tiếp tục cuộc tham quan. Tại Hà Nội và nhiều nơi khác ở miền Bắc, họ cũng được gặp nhiều thương binh bộ đội miền Bắc có người thì ngồi xe lăn.

Có người thì đi bằng chân giả hay chống nạng. Người thương binh đã mất đi một phần thân thể của mình cho đất nước thì chính phủ ít ra phải lo cho họ có những thứ đó để giảm bớt trở ngại trong cuộc sống hàng ngày là chuyện đương nhiên. Nhìn những thương binh miền Bắc, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi cho hoàn cảnh của những thương binh miền Nam mà chúng tôi đã gặp tại Sài Gòn, hay những vùng Lục Tỉnh... là họ đã bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn. Đó là lý do chính để tổ chức NGO chúng tôi quyết định công việc giúp đỡ thương phế binh miền Nam. Người nhân viên NGO này còn cho biết thêm là họ được chính quyền Hà Nội chấp thuận cho làm công việc giúp đỡ này nhưng với điều kiện là phải đặt dưới sự quản lý của chính quyền địa phương. Chúng tôi đã đến nhiều quốc gia làm việc thiện nguyện, nhưng chẳng có một quốc gia nào đặt ra điều kiện kỳ quái như thế, nhưng họ đành phải chấp nhận để mong sao giúp đỡ được những người cần được giúp đỡ.

Nhóm NGO này còn kể tôi nghe rằng họ đã trao tặng các trung tâm trị liệu phục hồi cho người tàn tật nhiều xe lăn, chân giả, nạng gỗ và nhiều thứ khác. Vì thấy mức độ tàn tật quá nặng của ông Hùng cần đặc biệt phải giúp đỡ nên tổ chức chúng tôi tặng riêng cho ông Hùng một chiếc xe lăn. Tặng xong, họ yên chí là từ đây ông Hùng không còn quá nhọc nhằn như trước mỗi khi muốn di chuyển vì đã có phương tiện. Tháng sau họ trở lại gặp ông Hùng thì vẫn thấy ông ta lết đi bằng hai tay. Hỏi xe lăn đâu thì ông Hùng trả lời rằng đã bị nhà cầm quyền địa phương tịch thâu vì cơ quan cho xe không qua trung gian chính phủ, bắt phải đóng tiền phạt mới được nhận xe. Mà ông Hùng lấy đâu ra tiền để đóng phạt. Cuối cùng họ lại phải bỏ tiền túi đóng phạt để nhận xe lăn cho ông Hùng.

Nghe xong câu chuyện về ông Hùng nói trên, tôi không thể hiểu nổi một chính quyền cứ ra rả nói về 'quên đi quá khứ' mà lại có những hành động vô nhân đạo đối với những người đã thua cuộc cách nay 30 năm. Rõ ràng là về mặt ý thức, chiến tranh Việt Nam chưa chấm dứt. Bởi vì nếu bảo rằng đây là hành động sai phạm có tính cách cá biệt của những quan chức chính quyền địa phương thì cũng đáng buồn cho Việt Nam vì tại đất nước này ngay đến người tàn tật, bần khốn tận cùng cũng không tránh khỏi nạn bóc lột. Tôi rất chia sẻ vì sao sau 30 năm, người Việt Nam vẫn tiếp tục đấu tranh cho sự tự do, dân chủ và nhân quyền được tôn trọng tại Việt Nam.