Monday, July 21, 2008
Dai Nhac Hoi Cam On Anh Thuong Binh 2
Hải ngoại không quên tình chiến sĩ,
Ðồng hương nhớ mãi nghĩa thương binh
Có một blogger viết như thế này về người thương binh Việt Nam Cộng Hòa:
“Trong mắt tôi, anh mãi mãi là anh hùng dù tên tuổi không được khắc trên bia đá.
Trong mắt tôi, một phần thân thể mà anh đã bỏ lại chiến trường năm xưa không mất đi. Chúng đã chuyển hóa thành niềm tự hào của tất cả chúng ta.
Tôi mang ơn những giọt máu đã đổ xuống cho quê hương.
Tôi nợ anh phần thân thể đã mất.
Trong mắt tôi, anh mãi là người anh hùng bởi không có gì cao quý hơn khi anh hy sinh cuộc đời mình để tôi được sống.”
Ngày trở về sau chiến tranh của người thương binh VNCH không đẹp như những ca từ trong bài “Ngày Trở Về” của Phạm Duy. Ðơn vị tan nát, chiến hữu người hy sinh, người vào tù, người vượt biên... người còn lại thì gặp nhau ngơ ngác. Cái xã hội được xây dựng bằng lòng hận thù đã đẩy các anh từ bệnh viện với vết thương chưa lành ra lề đường, xua đuổi gia đình các anh từ thành phố về vùng “kinh tế mới”. Chẳng ai giúp được ai khi tất cả cùng khốn khổ.
Ba mươi ba năm trôi qua, số lượng người thương binh VNCH năm xưa chắc cũng giảm nhiều, bởi họ đã chết trong đau khổ, tuyệt vọng và cả uất hận. Nhưng có lẽ, những người ra đi như thế cuối cùng cũng tìm được bình yên nơi cõi vĩnh hằng. Chỉ thương người ở lại.
Khó có thể hình dung được làm sao các anh còn sống sót đến ngày hôm nay khi ngay cả người lành lặn cũng phải bương chải cật lực để kiếm sống. Ðể hình dung người thương binh VNCH sống như thế nào cũng dễ dàng, chúng ta chỉ cần đọc một số thư cảm ơn của các anh gởi cho Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh & Quả Phụ VNCH sau khi nhận được tiền cứu trợ từ hội:
“Tôi nhận được tiền của quý vị ân nhân gởi về giúp trong lúc gia đình tôi đang gặp khó khăn. Ðã mấy chục năm qua, mỗi ngày từ 6 giờ sáng cho tới 5 giờ chiều, tôi khập khễnh đi khắp nơi để bán vé số, mỗi ngày kiếm được 20,000 đồng Việt Nam (hơn $1), mua được vài lít gạo. Tôi đã 64 tuổi, cụt một chân, đi đứng rất khó khăn. Nay được $50, tôi vui mừng không kể xiết. Từ nay tôi đã sắm một cái bàn, cái ghế kiếm một chỗ ngồi cố định, khỏi phải lang thang, vất vả tấm thân.” TPB Trần Văn Hậu, Tiền Giang.
“Biết nói làm sao cho quý hội hiểu sự vui mừng của tôi. Ðối với người ta thì cũng bình thường, riêng tôi, từ mấy chục năm nay không hề cầm trên tay một số tiền lớn như vậy ($100).” TPB Nguyễn Lọt, Ðồng Nai.
Trăn trở cùng đồng đội
Nếu hiểu được những nỗi đau khổ, mất mát mà người thương binh VNCH phải chịu đựng sau năm 1975 thì chúng ta sẽ dễ dàng hiểu tại sao Hội H.O. Cứu Trợ TPB&QP VNCH ra đời. Mười sáu năm qua, hội đã chuyển gần một triệu đô la về giúp anh em thương binh. Có người mỗi tháng gởi về hội $20 trong suốt mười mấy năm nay; có người trước khi mất, trăn trối gởi hết tiền phúng điếu cho hội; có hội đoàn tổ chức lượm lon, trồng rau xanh kiếm tiền gởi về; có người vừa nhận được thiệp mời dự Ðại Nhạc Hội “Cảm Ơn Anh Người Thương Binh VNCH” đã vội ký tấm check vài ngàn đô la gởi tặng...
Cái trăn trở của những người điều hành hội trở thành nỗi suy tư chung của tất cả.
Căn nhà nhỏ tại thành phố Garden Grove, nơi bà Hội Trưởng Nguyễn Thị Hạnh Nhơn sống cùng con cái, đã trở thành trụ sở Hội H.O. Cứu Trợ TPB&QP VNCH từ lúc nào. Một chiếc bàn nhỏ cạnh những tủ hồ sơ chật cứng, nơi bà miệt mài làm việc từ 7 giờ sáng đến 12 giờ khuya suốt bao năm nay cũng chỉ vì đồng đội. Tuổi ngày càng cao, sức ngày càng yếu, con cái khuyên bà nghỉ ngơi và bà cũng cảm thấy mệt mỏi.
Thế nhưng bà lại nói: “Mệt quá rồi nhưng thấy anh em thương binh tội quá, bỏ không đành. Mình phải làm lẹ để gởi tiền về giúp, nhất là những anh em đang bệnh nặng. Phải gởi về ngay thôi, trước khi họ qua đời!”
Bà Nguyễn Thanh Thủy, cựu thiếu tá Cảnh Sát Ðặc Biệt, trưởng đoàn Thiên Nga, một trong những thiện nguyện viên nhiệt tình của hội cũng cùng suy nghĩ.
Bà nói: “Mỗi lần giúp hội phân loại thư từ, nhìn những tấm hình anh em thương binh mà đau lòng lắm. Họ đã chịu đựng suốt bao nhiêu năm nay không được giúp đỡ, chúng ta giúp họ cũng chẳng đủ vào đâu.”
Gần một triệu đô la thu được chia cho hơn 11,500 lượt người (mỗi người nhận từ 2 đến 5 lần) thì người nhận ít nhất chưa được $200, người bệnh nặng nhận nhiều nhất chưa được $500 trong vòng... 16 năm!
Ðau lòng lắm chứ!
Ðại Nhạc Hội “Cảm Ơn Anh Người Thương Binh VNCH - Kỳ II”
“Năm nay, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California thấy thư anh em thương binh gởi cho chúng tôi nhiều quá nên đề nghị tổ chức đại nhạc hội,” bà Hạnh Nhơn cho biết thêm.
“Hiện bây giờ đã là khoảng 13,000 hồ sơ, chắc sau đại nhạc hội sẽ nhiều hơn nữa. Chúng tôi không đủ khả năng tổ chức đại nhạc hội nếu không có sự yểm trợ của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ Nam California, Trung Tâm ASIA, đài SBTN cùng các hội đoàn khác.”
Một đại nhạc hội thể hiện sự đoàn kết, gắn bó của người dân hải ngoại. Công việc chuẩn bị hiện đang được gấp rút tiến hành, từ việc thuê mướn sân khấu, thuê sân vận động, tiếp tân, trật tự đến việc đưa đón đồng hương từ Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ đến nơi tổ chức, các ca sĩ không cần mời cũng ghi tên tham gia như một vinh dự được đóng góp tài năng vào công việc chung... Guồng máy đang vận hành với một tốc độ cao nhất cho ngày tri ân.
Bà Hạnh Nhơn vui mừng cho biết “lúc mới có thông báo thôi, hội đã nhận được hơn $10,000 từ các nhà hảo tâm.” Ðó là niềm khích lệ lớn lao cho ban tổ chức.
Hôm nay, Thứ Bảy 19 Tháng Bảy, khoảng 11 giờ trưa, ông Lê Quí, hội phó Hội H.O. Cứu Trợ TPB&QP VNCH, cùng một số thiện nguyện viên sẽ bán vé tại khu chợ ABC.
Theo chương trình, tuần sau sinh viên và nghệ sĩ sẽ xuống đường mời đồng hương mua vé.
Chỉ còn hai tuần nữa là đến ngày đại nhạc hội, số vé bán ra và số tiền ủng hộ nhiều hay ít là trách nhiệm không chỉ riêng của ban tổ chức, nghệ sĩ hay sinh viên. Trách nhiệm thuộc về tất cả chúng ta.
Nhạc sĩ Nam Lộc, một người trong ban tổ chức, nói với nhật báo Người Việt: “Ðây là công việc chung. Nếu chúng ta không làm thì không ai làm. Kỳ trước, mục tiêu của đại nhạc hội là $300,000 nhưng cuối cùng được hơn số tiền này. Mục tiêu năm nay của chúng tôi là $500,000 và hy vọng chúng ta sẽ vượt qua con số này.”
“Và để vượt qua con số này, chúng tôi kêu gọi các cá nhân, hội đoàn và doanh nghiệp ủng hộ. Tất cả các đóng góp đều được miễn trừ thuế. Nếu ai đặt mua từ 100 vé trở lên, mỗi vé chỉ $10, đích thân tôi hoặc một ca sĩ nào đó sẽ đem đến giao tận tay. Ngay sau khi phát động, ông bà chủ hai nhà hàng Quán Hỷ và Quán Hợp đã lấy ngay 100 vé,” nhạc sĩ này cho biết tiếp.
Ðược biết, đại nhạc hội năm nay có sự tham gia của hơn 100 ca nhạc sĩ, nghệ sĩ và MC hải ngoại với sự hiện diện đặc biệt của khoa học gia Dương Nguyệt Ánh.
Ðại nhạc hội sẽ được đài truyền hình SBTN trực tiếp truyền hình khắp Hoa Kỳ và Canada qua hệ thống sattelite và cable và khán thính giả có thể theo dõi chương trình và ủng hộ hiện kim qua các số điện thoại miễn phí hiện trên màn hình.
Ban tổ chức sẽ có dù bạt cho khán giả tránh nắng.
Con số của lòng tri ân
Nhìn bảng tổng kết số tiền Hội H.O. Cứu Trợ TPB&QP VNCH đã nhận được và số lượt TPB&QP VNCH đã được giúp đỡ, không ai không cảm thấy ấm lòng, bởi con số mỗi năm cứ tăng đều.
Từ 1993 đến 2002 (10 năm) hội nhận được $126,331 (trung bình mỗi năm khoảng $12,600).
Năm 2003: $21,367
Năm 2004: $41,636
Năm 2005: $81,263
Năm 2006: $160,173
Ðại Nhạc Hội năm 2006: $409,195 (đã trừ chi phí)
Năm 2007: $122,275
Sáu tháng đầu năm 2008: $108,000
Tổng số tiền thu được từ năm 1993 đến 30 Tháng Sáu, 2008 là hơn $973,000. Nhờ thế số lượt người thương binh và quả phụ VNCH được giúp đỡ cũng tăng theo từng năm. Tổng cộng hội đã gởi về giúp 11,597 lượt người, chưa kể 4,761 lượt người mà các ân nhân nhận hồ sơ từ hội để tự gởi.
Ðó là những con số của niềm vui, của niềm hãnh diện. Con số của lòng tri ân.
Nhưng con số của lòng tri ân thì không bao giờ đủ vì “trong mắt tôi, anh mãi là người anh hùng bởi không có gì cao quý hơn khi anh hy sinh cuộc đời mình để tôi được sống.”
Ðại Nhạc Hội “Cảm Ơn Anh Người Thương Binh VNCH - Kỳ II”
Giá vé $10/người và hiện được bán tại Hội H.O. Cứu Trợ TPB&QP VNCH (714-539-3545); Trung Tâm Ca Nhạc Asia (714-775-8264); các nhà sách Tú Quỳnh (714-531-4284); Tự Lực (714-531-5290); Văn Khoa (714-892-0801); Văn Bút (714-895-7080); Trung Tâm Pháp Quang (714-891-1485); ABC Copy (714-596-5536, Trung Tâm Bích Thu Vân (714-897-4519); Newland Pharmacy (714-892-5372); Pacific Pharmacy (714-839-1197).
Chi phiếu bảo trợ xin đề: “Ðại Nhạc Hội Cảm Ơn Anh-Kỳ II” và gởi về đài truyền hình SBTN, P.O. Box 127 Garden Grove, CA 92842 hoặc Hội H.O. Cứu Trợ TPB$QP VNCH, P.O. Box 25554 Santa Ana, CA 92799.
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment