Friday, June 6, 2008

Đại Nhạc Hội Cám Ơn Anh Người Thương Binh II/ 3 Tháng 8 năm 2008

* Vì lý do đặc biệt, Ban Tổ Chức đã rời ngày tổ chức Đại nhạc Hội vào ngày 3-8-2008, thay vì ngày 13 tháng 7 năm 2008. Các vé đã bán vẫn có giá trị cho tới ngày 3-8-2008.

Huy Phương

Hai năm trước đây, vào ngày 25 tháng 6 năm 2006 tại Sân Vận Ðộng trường Bolsa Grande, Nam California, Nam California đã tổ chức được một buổi gây quỹ giúp cho các thương phế binh VNCH một cách quy mô, gọi là Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH”:

- 10,000 đồng hương từ cụ già 80 tuổi đến em bé 2 tuổi đã ngồi kín cả sân cỏ Sân Vận Ðộng trường Bolsa Grande, dưới trời nắng ở Nam California lên tới 90 độ từ 12 giờ trưa đến 7 giờ chiều ngày Chủ Nhật 25 tháng 6 để theo dõi chương trình Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH”.

- 9,000 vé tham dự Ðại Nhạc Hội đã được bán ra.

- Ban tổ chức sau chi phí đã nhận dược sồ tiền gần $450,000 của đồng hương đã ủng hộ qua đài truyền hình SBTN, quyên góp tại chỗ, và quý ân nhân khắp nơi ủng hộ Ðại Nhạc Hội gởi về Hội H.O. Cứu trợ TPB-QP/VNCH .

- Hội H.O. Cứu trợ TPB-QP/VNCH đã giúp đỡ được trên 5,000 hồ sơ thương binh và quả phụ. Năm 2007-2,000 hồ sơ và 1,000 hồ sơ cho bốn tháng đầu năm 2008. Hiện nay trung bình mỗi tháng hội nhận từ 200 đến 300 hồ sơ và còn lưu giữ 3,000 hồ sơ chưa giúp đỡ được.

- Những con số trên đây đã cao hơn sự mong đợi của Ban Tổ Chức và đã nói rõ tấm lòng của người Việt hải ngoại đối với anh em thương phế binh ở quê nhà. Ðám đông thầm lặng này, dù không có cơ hội nói lên, đã phát biểu những ý nghĩ qua sự tham dự một buổi ca nhạc ngoài trời, không mấy tiện nghi này. Ðó là tấm lòng đối với các chiến sĩ VNCH, nhất là những thương phế binh đang chịu cảnh thiệt thòi ở quê nhà, vẫn còn nguyên vẹn.

- Lâu nay chúng ta thường ngại lời kêu gọi giúp đỡ thương phế binh ở quê nhà không được đáp ứng, vì chúng ta nghĩ rằng, ba mươi năm trôi qua, người cũ đã ra đi, tuổi trẻ mới lớn lên, biết có ai còn nhớ đến những ân tình của những ngày tháng cũ. Nhưng không, những người lớn tuổi, rời đất nước từ ba mươi năm hay hai mươi năm về trước, nay đang đến tuổi già, là thời gian hồi tưởng dĩ vãng. Tuổi trẻ đang chạy theo cuộc sống tất bật ở quê người, nhưng chưa quên những bước đường lịch sử mà cha ông đã đóng góp xương máu.

- Hiện nay, cộng đồng hải ngoại đã phát động đa đoan nhiều chiến dịch giúp đỡ nhân đạo cho quê nhà, tuy nhân đạo bao giờ cũng quý, nhưng có lẽ chúng ta nên cân nhắc. Chính người lính miền Nam bị thương tật trong cuộc chiến chống giữ để bảo vệ miền Nam vừa qua là những người đáng cho chúng ta nghĩ đến trước nhất. Tuy cuối cùng vì nghiệp lớn không thành, nhưng biết bao nhiêu người đã hy sinh cho chúng ta ra được hải ngoại, có được tự do, cơm áo như ngày hôm nay. Nhưng cuộc sống có ý nghĩa là cuộc sống biết chia sẻ hạnh phúc với người khác.

- Với tình nghĩa đó, năm nay, tiếp theo nhiều buổi họp đã được phối hợp giữa hội HO Cứu Trợ TPB-QP/VNCH, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH, Trung Tâm Ca Nhạc Asia, đài truyền hình SBTN, với sự bảo trợ của Little Saigon Radio, Ðài Phát Thanh VNCR, Ðài Phát Thanh Bolsa, cùng các hội đoàn, các cơ quan truyền thông, đã đi đến quyết định là sẽ tổ chức một buổi Ðại Nhạc Hội


“CÁM ƠN ANH, NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH- Kỳ II”


- Ngoài trời vào ngày Chủ Nhật ngày 13 tháng 7, 2008 tại Sân Vận Ðộng trường trung học Bolsa Grande, thuộc thành phố Westminster, California tại Sân Vận Ðộng. Buổi Ðại Nhạc Hội này được tổ chức gần với ngày Quân Lực VNCH năm nay nhằm mục đích:

- Vinh danh người chiến sĩ VNCH.

- Gây quỹ giúp Thương Binh và Quả phụ VNCH.

- Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” sẽ có sự cộng tác của hơn 100 MC, ca nhạc sĩ hải ngoại và đặc biệt với sự hiện diện đặc biệt của khoa học Gia Dương Nguyệt Ánh. Suốt chương trình Ðại Nhạc Hội sẽ được đài truyền hình SBTN trực tiếp truyền hình đi khắp Hoa Kỳ và Canada qua hệ thống Sattelite và cable và khán thính giả có thể theo dõi chương trình và ủng hộ hiện kim (donation) qua các số điện thoại toll-free trên màn ảnh truyền hình.

- Năm nay địa điểm ca nhạc ngoài trời sẽ được ban tổ chức che dù bạt để khán giả có thể yên tâm tránh nắng để thưởng thức một buổi chiều ca nhạc hứng thú một cách trọn vẹn. Hiện nay Ban Tổ Chức đã in ra 20,000 vé tham dự với giá tượng trưng là $10.00 mỗi vé. Ðồng hương có thể mua vé ngay từ bây giờ tại tất cả các nhà sách ở Little Saigon, Nam Cali. Ở xa, Quý bạn có thể liên lạc với Ban Tổ chức qua các số điện thoại (714) 721-0758, (714)721-5312 hay e mail: hanhnhonnguyen@yahoo.com, unguyen1939@yahoo.com, hoặc vào thăm trang nhà hocuutrotpb.com

- Các ca, nhạc sĩ muốn đóng góp cho chương trình Ðại Nhạc Hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH- Kỳ 2” xin liên lạc về nghệ sĩ Nam Lộc: (213) 251-3489.

- Ðại Nhạc Hội cứu giúp thương phế binh được tổ chức lần đầu sau bao nhiêu năm chúng ta bỏ nước ra đi như là một thể nghiệm tấm lòng hải ngoại đối với thương phế binh VNCH ở quê nhà. Chúng ta vui mừng vì sự thành công của buổi ca nhạc hai năm về trước, mừng vì lòng người vẫn còn hướng về quê hương, nghĩ đến anh em chúng ta với những khổ đau trầm luân của những người thua cuộc. Xin mời đồng hương tham dự:


“CÁM ƠN ANH, NGƯỜI THƯƠNG BINH VNCH- Kỳ II”

Vào lúc 1:00 PM Chủ Nhật ngày 13 tháng 7, 2008 tại Sân Vận Ðộng trường trung học Bolsa Grande, thuộc thành phố Westminster, California

- Người lành lặn ra đi, không quên người tật nguyền ở lại.

- Hải ngoại không quên tình chiến sĩ - đồng hương nhớ mãi nghĩa thương binh.


Sổ Tay: Cảm Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH
Monday, March 31, 2008

Người Lính Cũ

“Cảm Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH”, chủ đề một đại nhạc hội lần thứ hai do Hội Cứu Trợ TPB & Quả Phụ VNCH và các hội đoàn quân đội cùng Trung Tâm Asia và đài Truyền Hình SBTN đứng ra tổ chức, dự trù vào ngày Chủ Nhật 13 tháng 7 năm 2008 tại sân vận động trường trung học Grande High School.

Chỉ đọc lên dòng chữ “Cảm Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” là đã cảm thấy trong lòng biết bao xúc động. Những người dân miền Nam, một thời lửa đạn chiến tranh mà Cộng Sản Bắc Việt đã gây ra tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975, không ai là không ngậm ngùi nhớ đến ơn nghĩa về cả một thế hệ tuổi trẻ đã mang xương máu để quyết giữ cho được một phần đất Việt Nam cho mọi người dân Việt được hưởng ấm no, hạnh phúc. Nhưng thế hệ trai Việt ấy đã phải ngậm đắng nuốt cay biết bao nhiêu tủi hận, uất ức và nhục nhằn. Tủi hận vì khi cuộc chiến tranh do CSBV gây ra, đang diễn ra khốc liệt thì lại có những kẻ đang tâm ngoảnh mặt làm ngơ trước cuộc chiến tàn khốc này, giả quên đi nguyên nhân gây ra bởi tham vọng của đế quốc cộng sản mà kêu gọi sự phản chiến, hết ca nhạc ru ngủ tinh thần chiến đấu của quân dân miền Nam, lại kéo nhau “xuống đường” biểu tình khiến cho hậu phương không lúc nào yên để người lính được yên tâm tiêu diệt giặc Cộng. Họ đã bị “đâm sau lưng” những nhát chí tử.

Ngậm đắng nuốt cay vì bị ngay chính bạn đồng minh mà mình tin tưởng là cùng chung lý tưởng bảo vệ tự do trước làn sóng cộng sản đang nhuộm đỏ thế giới, đã phản bội mình sau khi đã “đi đêm” được với Trung Cộng với hy vọng có được thị trường tiêu thụ là cả tỉ người.

Tủi hận vì bị thua cuộc chiến mà người lính nào cũng còn đầy nhiệt huyết bảo vệ đất nước và dân tộc.

Uất ức vì đất nước bị thực dân và cộng sản lưu giữ trong thế nhược tiểu để luôn bị làm con chốt thí trong bàn cờ chính trị thế giới.

Nhục nhằn vì bị lừa bịp trắng trợn để hàng chục năm phải nhận chịu cảnh tù đầy, lăng nhục dưới đủ mọi hình thức do chính những người cùng dòng máu Lạc Hồng đã bán rẻ lương tri mà cam tâm làm tên lính xung kích cho bọn Nga Cộng, Tàu Cộng, đang tâm hy sinh hai ba thế hệ Việt Nam cho cuồng vọng bá chủ thế giới của quốc tế cộng sản.

Thấu hiểu những đau thương ấy nên người dân miền Nam và cả người dân miền Bắc nữa đã thông cảm biết bao cho lớp người “sinh ra nhầm thế kỷ”. Chuyện này được minh chứng qua sự kiện những đoàn tàu tải tù cải tạo từ Bắc vào Nam của nhà cầm quyền Cộng Sản Hà Nội khi bị Trung Cộng “dạy cho bài học vong ân bội nghĩa” với nước đàn anh “môi răng”. Ðó là vào những năm 1981, 1982 tù cải tạo được đưa về Nam tiếp tục cải tạo, khi các đoàn tàu chạy qua những ga từ Ðông Hà, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên, Huế, Nha Trang, Phan Rang... đâu đâu cũng được người dân miền Nam tự động tập trung đón đợi để được tung lên các toa tàu chở tù những chiếc bánh nhỏ nhoi nhưng gói cả một tấm tình to lớn sau 7, 8 năm được nếm mùi chế độ mới, chế độ “giải phóng” con người khỏi cuộc sống tự do, văn minh và no ấm. Ngay chính những vợ con cán bộ ở ngoài Bắc cũng công khai bày tỏ cảm tình sâu đậm với những tù nhân cải tạo khi họ đã ra tiễn đưa những người tù này về Nam (chuyện xảy ra tại trại tù Thanh Lâm, Thanh Hóa vào tháng 12 năm 1981).

Lớp Thương Phế Binh VNCH còn phải chịu nhiều tủi nhục hơn nữa. Ngay buổi chiều cộng sản vào được Saigon và các tỉnh thị miền Nam, người thương binh VNCH đã bị đuổi ra khỏi những bệnh viện bất kể tình trạng bệnh hoạn như thế nào. Hình ảnh những thương phế binh, thương binh VNCH phải lê lết trước cửa bệnh viện vẫn còn hằn sâu trong ký ức của người dân miền Nam. Rồi sau đó, những thương phế binh VNCH bị đẩy hẳn ra khỏi cuộc sống của xã hội mới, không nơi nương tựa, không cả được sự trợ giúp của thân nhân, gia đình vì nhà cầm quyền mới đã cấm cản. Vì cuộc sống, người thương binh VNCH đã phải lê lết trên mọi nẻo đường trước đó mình từng bảo vệ. Họ phải làm đủ thứ nghề bất kể tấm thân tàn phế, để nuôi dưỡng cuộc sống cho mình, có khi cho cả những đứa con còn nhỏ dại, những người vợ còn non trẻ, những cha mẹ già không còn sức lao động kiếm sống. Bao nhiêu khổ cực nhục nhằn khi nước mất nhà tan. Bao nhiêu cô đơn lạc lõng trong suốt những tháng năm chế độ bạo tàn cộng sản ngự trị đất nước và dân tộc.

Sau 30 tháng 4 năm 1975, lớp người nghĩ đến anh em chiến hữu thương phế binh VNCH trước hết là những người bạn cùng chiến đấu với họ. Nhưng một phần lớn đã bị đưa vào các trại tập trung cải tạo nên chỉ còn một ít người đã thoát ra được nước ngoài. Những cuộc quyên góp hình thành trong nhỏ nhoi khi có khi không của anh chị em chiến hữu cũ vì ngay chính cuộc sống lưu vong của những người này cũng chưa ổn định được. Chỉ từ khi có những đợt tù cải tạo được định cư ở Hoa Kỳ và các nơi trên thế giới, công cuộc trợ giúp thương phế binh VNCH mới trở thành những phong trào, trước hết là từng đơn vị, sau dần ra tới các tổ chức liên quân và lớn mạnh dần lên với tổ chức “Hội H.O. Cứu Trợ TPB & Quả Phụ VNCH” để đến nay thì mọi tầng lớp người Việt hải ngoại đều gắng sức tiếp tay vào công cuộc cứu trợ này. Không chỉ còn trong số những cựu quân nhân mà đã trải rộng ra trong mọi thành phần đồng hương người Việt. Qua sự tiếp tay trực tiếp của đài truyền hình SBTN và Trung Tâm Asia, đồng hương người Việt khắp nơi trên thế giới đã gửi về hàng trăm ngàn cho đại nhạc hội “Cám Ơn Anh, Người Thương Binh VNCH” lần thứ I. Ngay cả các bạn trẻ trong Tổng Hội Sinh Viên Nam California cũng sốt sắng trợ giúp vào công cuộc cứu trợ này mỗi khi các cựu quân nhân QLVNCH đứng ra tổ chức cứu trợ.

Ðại nhạc hội “Cám Ơn Anh, người Thương Binh VNCH” lần thứ I đã thu được trên 350 ngàn Mỹ kim, một con số chưa một lần tổ chức cứu trợ TPB/VNCH nào đã thu được. Ðiều ấy đã nói lên được phần nào tâm tình của người dân Việt đối với những người đã vì hạnh phúc, tự do của dân tộc mà hy sinh một phần thân thể, hy sinh cuộc sống, nhận chịu đủ mọi đắng cay, tủi nhục cho cả một thế hệ.

Ước mong kỳ đại nhạc hội lần II này cho thương phế binh VNCH sẽ không chỉ ở con số vài ba trăm ngàn nữa, bởi vì với hàng trăm ngàn thương phế binh VNCH còn chịu đựng cuộc sống bị kỳ thị dưới chế độ cộng sản, thì vài ba trăm ngàn Mỹ kim vẫn chỉ là muối bỏ bể so với những đau thương tủi nhục mà người thương binh VNCH phải nhận chịu ròng rã trên 30 năm nay.

Người Lính Cũ

No comments: