Monday, August 10, 2009
Những Người Trai Oai Hùng Đã Tàn Nhưng Không Phế
Sau ngày 30 tháng 4, 1975 gia đình tôi sống khổ sở vì không có công ăn việc làm. Chúng tôi trở nên những kẻ nghèo đói trong xã hội mới. Chúng tôi đành phải sống tạm trong khu nghĩa địa, hằng ngày tôi lê đi bán vé số nuôi mấy đứa con dại. Sống giữa đám mồ mã ẩm thấp, hai vợ chồng bị mắc bịnh lao. Con nhỏ đau ốm èo uột.
Vừa rồi đứa con nhỏ 6 tuổi do suy dinh dưỡng bị lao màng bụng, viêm bàng quang với thận rỉ máu phải đi điều trị ở bịnh viện nhi đồng. Thế là bao nhiêu vật dụng trong gia đình phải đem đi bán để lo cho nó. Nhưng vì không đủ tiền cho nên vợ tôi phải ôm con trốn về. Chưa được bao lâu bệnh tình của nó trở nên nguy kịch cho nên lại phải đưa vào bệnh viện cấp cứu ở trung tâm lao Phạm Ngọc Thạch. Nhưng không còn kịp nữa.
Cháu đã qua đời. Nửa đêm đem xác con về nhưng chúng tôi kiệt quệ không có tiền mua đất mướn người để chôn cho cháu. Người hàng xóm thương tình cho ván đóng hòm rồi lén lút chôn cháu ở ven hông vườn nhà. Bây giờ tôi không còn đủ sức để đi bán dạo nữa. Đành phó mặc số phận cho vợ con. Vợ tôi cũng mang bịnh như tôi nhưng bà cũng phải dắt con đi bán vé số để kiếm sống cho gia đình. Bây giờ chỉ biết cầm cự được ngày nào hay ngày đó”.
Đó là tình hình bi đát của gia đình thương phế binh Nguyễn Văn Hổ, hiện cư ngụ tại huyện Châu Thành, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Trước 75, anh phục vụ trong binh chủng Biệt Động Quân. Trong một cuộc hành quân nhằm giải vây cho một đơn vị bạn đang bị bao vây ở mật khu Tống Lê Chân anh bị thương, bị trúng đạn vào đầu. Tuy may mắn không chết nhưng anh bị liệt nửa thân người. Ngày 30/1/75 anh được giải ngũ vĩnh viễn với mức độ tàn phế 90% nhưng chưa kịp được hưởng trợ cấp thương binh của chính phủ Sài Gòn thì nước mất và nhà anh tan.
Một trường hợp khác là TPB Đào Ngọc Khanh trước thuộc tiểu đoàn 8 TQLC. Anh bị thương ngày 31/3/73 tại tiền đồn Quảng Trị. Anh bị bắt làm tù binh và bị đưa đi tù ở miền Bắc. Được trả về sau ngày 30/3/75 với một chân trái còn lại, trôi nổi theo cuộc sống với những nghề thấp hèn nhất của xã hội là bán nhang và bán vé số.
Trong số những hoàn cảnh đau xót nhất xảy ra sau ngày 30 tháng Tư 1975 tại Sài Gòn là các TPB của quân lực VNCH bị đuổi ra khỏi bệnh viện Cộng Hòa dù cho những vết thương chiến tranh của họ vẫn đang còn rỉ máu. Từng đoàn thương binh, nối gót dắt dìu ra cổng. Người sáng mắt dẫn đường kẻ mù loà, người bị thương nhẹ cõng người bị thương nặng. Khắp lối ra vào, máu me vương vãi, nước mắt quanh tròng những nạn nhân bị bỏ rơi, không thượng cấp, không đồng đội và cũng không còn hậu phương. Một số sau đó chết vì vết thương quá nặng, số khác sống trong cảnh tàn phế vĩnh viễn, vì vết thương không được tiếp tục điều trị.
Trong đoàn người bất hạnh đó có TPB Nguyễn Đơn. Anh trước là thiếu uý Trung Đội trưởng Địa Phương Quân, bị thương ngày 2/4/1975 tại chi khu Tam Bình. Anh bị cụt 2 chân trên đầu gối và mức độ tàn phế là 100%. Anh may mắn được sống còn nhưng hiện đang sống thiếu thốn, sống khốn khổ và sống trong một hoàn cảnh khắc nghiệt cùng cha mẹ già đã hơn 80 tuổi và đứa em gái 45 tuổi bị bịnh câm điếc bẩm sinh.
Đó là ba trường hợp thương tâm trong hàng trăm ngàn "mảnh đời rách nát" còn lại ở VN mà tôi biết được qua hội Tình Thương Foundation. Thương Phế Binh QLVNCH, các anh là ai? Trường hợp thứ nhất, TPB Nguyễn Văn Hổ sanh năm 1955. Trường hợp thứ hai, TPB Đào Ngọc Khanh sanh năm 1953 và trường hợp thứ ba TPB Nguyễn Đơn sanh năm 1954. Có nghĩa là lúc các anh bị thương và lúc nước mất nhà tan các anh chỉ đang ở độ tuổi đôi mươi. Các anh là những thanh niên lớn lên trong giai đoạn lịch sử nghiệt ngã, oan khiêng đang bị họa Cộng Sản xâm lược âm mưu thôn tính toàn vẹn lãnh thổ nên các anh đã phải lên đường thi hành bổn phận người trai thời chiến. Các anh chiến đấu vì lý tưởng, các anh chiến đấu để gìn giữ từng tấc đất của thôn xóm, của quê hương.
Các anh là những người thanh niên tuổi trẻ tạm gác bút nghiêng, rời sân trường để bước vào quân trường cho tới khi các anh thề một lòng Vị Quốc Vong Thân. Khoác lên mình bộ đồ trận, mang lên lưng mình ba lô hành quân nặng nề nặng tình quê hương và đội lên đầu mình chiếc nón sắc xanh tròn, xanh như tuổi xanh của các anh và căng tròn như tấm lòng sắc son của các anh đối với dân tộc. Các anh đã trở thành người lính thực thụ. Các anh trưởng thành cùng với vận nước. Các anh bước đi tay bồng súng và chân mang giày trận làm kinh kha đi chống giặc giữ quê hương. Các anh đã đi qua và dẫm nát những địa danh như Kontum, Pleime, Ashau, Ia-Drang, ... Anh đã dự những trận chiến oai hùng từ Đồng Xoài, Ấp Bắc, Bình Giã đến Tống Lê Chân, Bình Long, An Lộc để giữ cho chính nghĩa quốc gia tự do được tồn tại, để giữ cho người dân được sống no ấm ở hậu phương.
Nhưng lịch sử đã sang trang tháng 4 năm 75. Hình tượng người lính VNCH bị giật đỗ rơi xuống vỡ tan trên đường phố, nhưng từ đó các anh anh thực sự đứng lên oai hùng trong trái tim người dân miền Nam. Từ ngày Sàigòn bị cưỡng chiếm và từ khi những bộ đội CS chập chững, ngỡ ngàng và ngốc nghếch bước chân vào thành phố người dân mới thật sự hiểu được giá trị của người lính quốc gia. Hai mươi năm chiến tranh với hàng trăm ngàn sinh mạng người lính cùng vài trăm ngàn thương binh đã để lại những phần thân thể của họ trên những chiến trường khốc liệt của miền Nam.
Những giờ phút cuối cùng, dầu biết nước sắp mất, chết chỉ uổng mạng nhưng họ vẫn hiên ngang chiến đấu ở những cứ điểm cuối cùng của miền Nam từ Khánh Dương, Phan Rang, Phan Thiết, Xuân Lộc, Long An, Tây Ninh, Củ Chi , Biên Hòa đến Sài Gòn. Tất cả là những chiến tích để đời và lưu danh thiên cổ trong dòng sử Việt. Ba mươi bốn năm qua rồi, chúng ta đã làm gì để tri ân người lính VNCH? Chúng ta, những người tỵ nạn tầm gửi, đã từng sống nhờ trên máu xương của người lính miền Nam.
Ba mươi bốn năm qua rồi, đã đến lúc chúng ta phải vinh danh người lính VNCH. Những ai còn sống sót tới ngày hôm nay, phải nhỏ một giọt nước mắt, dù muộn màng để cảm ơn họ. Chúng ta hãnh diện vì có được những anh hùng làm rạng danh nước Việt. Họ đáng được ca tụng và kính phục. Họ đã nằm xuống vì quê hương dân tộc. Họ đã để lại một phần thân thể hay cả thân xác trên quê hương vì chính nghĩa quốc gia tự do. Ngày nay, vẫn còn nhiều thương phế binh lê lết phần thân thể còn lại của mình trên khắp các nẻo đường đất nước. Nhìn thấy những hình hài không nguyên vẹn ấy, có phút giây nào chúng ta nghĩ tới và tự hỏi “Họ là ai” hay không?
Họ là những người lính tàn phế sau cuộc chiến nay phải sống những cuộc đời cơ cực, lang thang bên lề cuộc đời, rách nát và bơ vơ như một người xa lạ. Họ là những người lính oai hùng trong thời chiến và nay là người tù, người tàn phế trong thời bình. Họ “tàn nhưng không phế”. Những TPB bị bỏ lại sau cuộc chiến chẳng những bị bỏ rơi trong bệnh tật và nghèo đói cùng cực, không được giúp đỡ, mà trái lại họ còn bị bạo quyền CS hất hủi, trù dập, chà đạp lên danh dự và xua đuổi ra khỏi những sinh hoạt xã hội bình thường. Họ bị lưu đày trên chính quê hương họ.
Người CS đẩy họ xuống đáy trầm luân. Có ai trong chúng ta, có người chưa từng đóng góp gì cho chính nghĩa quốc gia, cảm thấy thẹn với mình khi đã đôi lần tỏ ra hãnh diện vì mình nói tiếng Anh lưu loát hơn họ, nhà to cửa rông, xe đẹp và con cái thành tài hơn họ? Có ai trong chúng ta sẵn sàng hy sinh một bữa tiệc đắt tiền ở một nhà hàng danh tiếng, hy sinh một hai tấm vé vào cửa của một đại nhạc hội tưng bừng, hy sinh một buổi tiệc vui chơi cùng bè bạn, một buổi tiệc dạ vũ để bỏ tiền ra đóng góp một cách thiết thực hầu xoa dịu phần nào nỗi đau khổ và nhọc nhằn của người TPB bất hạnh?
Chúng ta người Việt hải ngoại là những người được may mắn hơn họ, được sống trong tự do và sung túc. Chúng ta đã mất nước, chúng ta đã mất cả nơi chốn dung thân để phải tha hương lưu lạc khắp mọi phương trời. Chúng ta đã mất mát nhiều thứ, gần như tất cả, nhưng những người thương binh như các anh còn mất mát nhiều hơn nữa, các anh đã mất một phần thân thể, mất tuổi trẻ, mất tình yêu và cả tình người. Trong cuộc đời này không có điều gì cao thượng hơn là hy sinh cuộc đời mình để cho người khác được sống. Vậy mà các anh đã hy sinh. Sự hy sinh của các anh là sự hy sinh chính đáng, cao quý và đáng kính trọng.
Chúng ta nên có ý thức trách nhiệm giúp đỡ những người TPB và gia đình của họ, bởi chính họ đã một thời vì lý tưởng Tự Do, vì chính nghĩa Quốc Gia và vì sự an bình của quê hương mà chiến đấu và hy sinh. Chúng ta không những không nên làm ngơ mà trái lại phải biết tri ân và đặt họ ở một địa vị xứng đáng mà đáng lẽ họ phải được hưởng từ lâu. Chúng ta hãy đem lại cho những người Thương Phế Binh VNCH ở quê nhà một niềm tin, để họ biết rằng bên kia bờ đại dương, những bạn đồng ngũ, đồng bào và cả thế hệ sinh sau, đẻ muộn, vẫn luôn luôn nghĩ đến thân phận cùng sự hy sinh cao cả của họ. Chúng ta có bổn phận đóng góp một cách thiết thực hầu xoa dịu phần nào nỗi đau khổ và nhọc nhằn của người Thương Phế Binh VNCH bất hạnh.
Trần Việt Trình
10 tháng 8 năm 2009
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment